Các quân khu Các địa bàn quân sự của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Quân khu 1

Còn gọi là Quân khu miền Đông, mật danh T1, thành lập năm 1961 trên cơ sở Phân liên khu miền Đông thời Kháng chiến chống Pháp, địa bàn gồm các tỉnh miền Đông Nam Bộ, do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Tư lệnh đầu tiên: Nguyễn Hữu Xuyến (Tám Kiến Quốc).

Cuối năm 1961, tách Phước Long, hợp với 2 tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng của Quân khu 6 để thành lập Quân khu 10.

Từ tháng 10 năm 1967, giải thể Quân khu 1 để thành lập Khu trọng điểm gồm 7 phân khu (đánh số từ 1 đến 7) và 2 tỉnh trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền.[7]

Quân khu 2

Mật danh T2, thành lập năm 1961 trên cơ sở Khu 8 thời Kháng chiến chống Pháp, địa bàn gồm các tỉnh miền trung Nam bộ: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc và Bến Tre[8], do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Tư lệnh đầu tiên: Lê Quốc Sản (Tám Phương), Chính ủy Nguyễn Minh Đường

Đến năm 1974 thì đổi tên hiệu thành Quân khu 8, tồn tại đến cuối năm 1975 thì giải thể.[7]

Quân khu 3

Mật danh T3, thành lập năm 1961 trên cơ sở Phân liên khu miền Tây thời Kháng chiến chống Pháp, địa bàn gồm các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng (thêm một phần tỉnh Bạc Liêu), Rạch Giá, Cà Mau (gồm một phần tỉnh Bạc Liêu) và Hà Tiên[8], do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Tư lệnh đầu tiên: Nguyễn Thành Thơ (Mười Khẩn), Chính ủy Nguyễn Văn Bé (Tám Tùng).

Đến năm 1974 thì đổi tên hiệu thành Quân khu 9.[7]

Quân khu 4

Còn gọi là Quân khu Sài Gòn - Gia Định, mật danh T4, thành lập năm 1961 trên cơ sở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời Kháng chiến chống Pháp, do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Tư lệnh đầu tiên: Trần Hải Phụng (Hai Phụng).

Tháng 10 năm 1967, giải thể cùng lúc với Quân khu 1, để thành lập Khu trọng điểm, gồm 7 phân khu, trong đó địa bàn Phân khu 6 là các quân nội thành Sài Gòn. Tái lập cuối năm 1972 với tên gọi cũ.

Năm 1974 đổi tên thành Thành đội Sài Gòn.[9]

Quân khu 5

Mật danh T5, thành lập năm 1961 trên cơ sở Liên khu 5 thời Kháng chiến chống Pháp, địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai[10], là mặt trận B1 trên danh nghĩa là thuộc lực lượng Quân giải phóng miền nam Việt Nam, nhưng trên thực tế là do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên: Nguyễn Đôn.

Cuối năm 1963, bổ sung thêm địa bàn 2 tỉnh Đắc Lắc và Khánh Hòa từ Quân khu 6.

Tháng 5 năm 1964, tách các tỉnh Tây Nguyên để thành lập B3.

Tháng 4 năm 1966, tách Quảng Trị và Thừa Thiên để thành lập B4 (Quân khu Trị Thiên).[7]

Quân khu 6

Mật danh T6, thành lập năm 1961 trên cơ sở Liên khu 5 thời Kháng chiến chống Pháp, địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng[10], do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Quyền Tư lệnh đầu tiên: Y Blok Êban.

Cuối năm 1961, tách 2 tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng, hợp với tỉnh Phước Long của Quân khu 1 để thành lập Quân khu 10.

Tháng 10 năm 1963, Quân khu 10 giải thể, nhập lại các tỉnh cũ và chuyển các tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc cho Quân khu 4.

Năm 1966, lại tách các tỉnh Quảng Đức và Phước Long, hợp với tỉnh Bình Long của Quân khu 7 để tái lập Quân khu 10.

Năm 1971, Khu 10 giải thể, tiếp nhận các tỉnh của Khu 10.[7]

Quân khu 7

Mật danh T7, thành lập tháng 3 năm 1968 trên cơ sở các Phân khu 4, Phân khu 7 và tỉnh Bà Rịa, do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Tháng 4 năm 1971, giải thể. Năm 1972, các phân khu bị giải thể để tái lập Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu miền Đông. Từ năm 1974, đổi tên trở lại thành Quân khu 7.[7]

Quân khu 10

Mật danh T10, thành lập cuối năm 1961, địa bàn ban đầu gồm 3 tỉnh Phước Long, Lâm Đồng, Quảng Đức, do Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo tác chiến. Tháng 10 năm 1963 giải thể. Đến năm 1966, tái lập với địa bàn 3 tỉnh Quảng Đức, Phước Long, Bình Long. Tháng 4 năm 1971, giải thể.[7]

Khu trọng điểm

Thành lập tháng 10 năm 1967, với địa bàn là các tỉnh cũ của 2 quân khu miền Đông và Sài Gòn - Gia Định vừa giải thể, tổ chức thành 7 phân khu (đánh số từ 1 đến 7) và 2 tỉnh độc lập Bà Rịa, Tây Ninh trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền. Tháng 3 năm 1968, tách các Phân khu 4, Phân khu 7 và tỉnh Bà Rịa để thành lập Quân khu 7. Tháng 4 năm 1971, Quân khu 7 giải thể, tiếp nhận tỉnh Bà Rịa gồm Phân khu 4 sáp nhập và Phân khu 5 (sáp nhập Phân khu 7). Năm 1972 giải thể để tái lập Quân khu miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định.[7]